Tiêu chuẩn thống kế mới giúp các nhà hoạch định chính sách, những người sử dụng dữ liệu có thể phân tích và hiểu rõ hơn về những đặc trưng, thách thức của các nhóm lao động khác nhau.
Lần đầu tiên, báo cáo điều tra lao động việc làm do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện đã áp dụng các tiêu chuẩn thống kê mới nhất khi trình bày các chỉ tiêu thống kê và xu hướng thị trường lao động. Những tiêu chuẩn mới được áp dụng là tiêu chuẩn ICLS19, được thông qua tại Hội nghị quốc tế về thống kê lao động việc làm lần thứ 19.
Bước tiến này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, những người sử dụng dữ liệu khác phân tích và hiểu rõ hơn những đặc trưng, thách thức của các nhóm lao động khác nhau. "Bức tranh" thị trường lao động với các chỉ số mới chỉ ra gánh nặng kép công việc, trách nhiệm gia đình mà phụ nữ phải gánh vác cũng như đặc điểm của từng nhóm lao động không có việc làm.
Định nghĩa lại khái niệm việc làm
Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam cho biết những cải tiến quan trọng nhất mà tiêu chuẩn ICLS19 mang lại là sự thay đổi trong định nghĩa công việc và việc làm. Khái niệm công việc trở nên rộng hơn, bao gồm cả công việc được trả lương và không được trả lương.
Trong khi đó, khái niệm việc làm bị thu hẹp lại. Theo định nghĩa mới, việc làm là công việc được trả công hoặc tạo ra lợi nhuận hay công việc chỉ để tạo ra thu nhập. Do vậy, những người làm việc để phục vụ cho chính bản thân họ, chẳng hạn như làm ra thực phẩm để phục vụ mục đích sử dụng của hộ gia đình mình, không còn được xác định là có việc làm.
“Sự thay đổi này giúp định nghĩa rõ ràng hơn một số nhóm lao động, từ đó có thể phân tích rõ ràng hơn và dễ hiểu được hơn những đặc trưng cũng như những thách thức của từng nhóm. Cách làm này phù hợp với cách tiếp cận hông để ai bị bỏ lại phía sau,” bà Valentina Barcucci giải thích.
Với việc áp dụng định nghĩa mới về việc làm, Tổng cục Thống kê có thể xác định được một nhóm 3,5 triệu người hiện làm các công việc tự sản tự tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp tự cấp tự túc.
Một hình thức công việc khác cũng được làm rõ hơn khi áp dụng tiêu chuẩn ICLS19 là cung ứng dịch vụ cho chính hộ gia đình mình. Khái niệm công việc tự sản tự tiêu bao gồm cả các hoạt động là một phần của các công việc chăm sóc không được trả công như nấu ăn, trông trẻ và các công việc khác. Theo chuyên gia kinh tế lao động của ILO, lần đầu tiên Việt Nam có thể lượng hóa số giờ trung bình phụ nữ và nam giới làm những công việc này và phân tích được gánh nặng kép mà người phụ nữ phải gánh vác thông qua các số liệu thống kê.
Chỉ số về lao động mới
Một điểm nổi bật khác của tiêu chuẩn ICLS19 là áp dụng cách đo lường rộng hơn về mức độ không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lao động, không chỉ nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp thường được sử dụng.
Ngoài thất nghiệp, các chỉ số khác được khuyến nghị nên áp dụng bao gồm thiếu việc làm, lực lượng lao động có tiềm năng tham gia vào thị trường lao động, cả hai nhóm này đều có mối liên hệ trực tiếp với thị trường lao động nhưng nhu cầu về việc làm của họ chưa được đáp ứng.
Theo ông Tite Habiyakare, chuyên gia cấp vùng về thống kê lao động của ILO tại Bangkok (Thái Lan), các cách đo lường mới về mức độ không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lao động đưa ra những chỉ số thể hiện và đáp ứng tốt hơn hiện trạng của nền kinh tế, từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách có thể thực hiện tốt hơn chức năng của mình.
Người thất nghiệp là những người hiện không làm việc, đang không tìm việc làm và không sẵn sàng làm việc thường chỉ chiếm số ít trong số những người hiện không làm việc.
Lực lượng lao động tiềm năng (có tiềm năng tham gia vào thị trường lao động) bao gồm những người hiện không làm việc nhưng không đáp ứng được tất cả các tiêu chí được coi là thất nghiệp. Có thể họ vẫn đang tìm kiếm việc làm nhưng chưa sẵn sàng làm việc tại thời điểm này. Hay có thể họ sẵn sàng làm việc nhưng tại thời điểm này không tìm kiếm việc làm.
Gánh nặng kép cản trở bình đẳng việc làm và tiền lương của lao động nữ
“Tại sao lại cần có nhiều cách khác nhau để mô tả các cá nhân không có việc làm như vậy? Đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta một câu trả lời rõ ràng,” bà Barcucci cho biết. Trong quý 2/2020, hơn hai triệu người đã phải nghỉ việc nhưng chỉ có 200.000 người trong số họ trở nên thất nghiệp, số còn lại tự rút khỏi lực lượng lao động.
Chuyên gia kinh tế lao động của ILO cho biết thêm: “Có lẽ họ không đi làm nhưng cũng không có lý do gì phải tìm việc làm do các biện pháp giãn cách xã hội đã làm giảm đáng kể hoạt động kinh tế. Trường hợp khác là họ là những người phải nghỉ việc để trông con khi trường học đóng cửa và do đó họ không sẵn sàng làm việc. Trong cả hai trường hợp trên, họ đều là những đối tượng không thuộc diện thất nghiệp."
“Các nhà hoạch định chính sách và báo chí cần sử dụng những chỉ số về mức độ không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lao động để đánh giá thị trường lao động, ngoài tỷ lệ thất nghiệp vốn thường ở mức thấp tại Việt Nam,” ông Tite Habiyakare nhấn mạnh.
Cơ sở để hoạch định chính sách
Bà Valentina Barcucci cho rằng: “Việc xác định được đặc trưng của từng nhóm cá nhân không có việc làm giúp cung cấp những thông tin quan trọng làm cơ sở thiết kế các chính sách đáp ứng được nhu cầu cụ thể của họ.”
Dẫn chứng cụ thể, bà Valentina Barcucci chỉ ra rằng những chính sách hướng đến người thất nghiệp thường bao gồm đào tạo kỹ năng, các kiến thức về thị trường lao động, trợ cấp tiền lương cho doanh nghiệp và các biện pháp tài khóa, tiền tệ khác. Ngược lại, các chính sách đưa những phụ nữ đang không sẵn sàng làm việc quay trở lại thị trường lao động sẽ chú trọng hỗ trợ chăm sóc con cái và bố trí công việc linh hoạt.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói về việc áp dụng các tiêu chuẩn mới.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay việc điều chỉnh khung khái niệm và các tiêu chuẩn thống kê về lao động việc làm mới không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu vĩ mô. Một số chỉ tiêu sẽ thay đổi như lực lao động qua đào tạo, thu nhập, tỷ lệ lao động thiếu việc làm… Đặc biệt là năng suất lao động có thể sẽ cao hơn.
“Các số liệu mới được công bố sau khi một loạt các chiến lược, kế hoạcch đã được xây dựng, do đó có một số mục tiêu, chỉ tiêu nếu bám theo khung khái niệm mới sẽ khó đánh giá. Do đó ngành thống kê sẽ vừa tính theo khung khái niệm mới vừa tính theo cách cũ để phục vụ tối đa nhu cầu cần có cơ sở thông tin trong đánh giá việc thực hiện các chiến lược của các cấp, các ngành,” ông Phạm Quang Vinh nói.
Ông Tite Habiyakare chúc mừng Việt Nam về thành tựu mới trong thống kê lao động việc làm và nhấn mạnh: “Với việc công bố số liệu thị trường lao động theo tiêu chuẩn LCLS19, Việt Nam đã gia nhập nhóm 50% các quốc gia thành viên của ILO đã áp dụng tiêu chuẩn thống kê mới, trong đó gồm nhiều nền kinh tế phát triển và 6 quốc gia thành viên ASEAN”./.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2014, Việt Nam đã trở thành một trong 10 nước áp dụng thí điểm tiêu chuẩn ICLS19 trong điều tra cung ứng lao động việc làm. Điều tra nghiên cứu xu hướng quy mô của lực lượng lao động, việc làm, tình trạng thất nghiệp và chất lượng việc làm.
Quá trình thí điểm các tiêu chuẩn mới kéo dài từ năm 2014 đến năm 2020. Việt Nam đã chính thức áp dụng các tiêu chuẩn mới này kể từ tháng 1/2021 và đưa vào báo cáo điều tra lao động việc làm quý 1. Hồng Kiều